Trào lưu buôn hàng 'thùng' xịn
Thay vì chỉ bán đồ giá rẻ như trước, ngày càng nhiều người thuê cửa hàng mặt phố để bán hàng second-hand chất lượng cao, thậm chí là những món đồ cổ, độc đáo.
Thay vì chỉ bán đồ giá rẻ như trước, ngày càng nhiều người thuê cửa hàng mặt phố để bán hàng second-hand chất lư��ng cao, thậm chí là những món đồ cổ, độc đáo.
Ngày càng nhiều người thuê cửa hàng mặt phố để kinh doanh hàng thùng. Ảnh:Xuân Ngọc |
Việc buôn hàng đã qua sử dụng (mà người ta hay gọi là hàng thùng, hàng sida, hay second-hand) đã xuất hiện từ hơn chục năm nay ở Hà Nội. Ban đầu chỉ là những cửa hàng tận dụng vỉa hè vào buổi tối hay các khu chợ Kim Liên, Hàng Da…, với những mặt hàng giá rẻ, chủ yếu phục vụ cho những người có thu nhập thấp.
Nhưng hiện nay, ngày càng nhiều người mướn cửa hiệu mặt phố để kinh doanh loại hàng này.Trong số đó có khá nhiều sản phẩm cổ, độc đáo, lạ mắt, mà những cửa tiệm bán đồ mới không có.Riêng trên phố Nguyễn Lương Bằng (Hà Nội) đã có đến 5 tiệm mặt đường bán đồ cũ.
Anh Mạnh, chủ tiệm kính cũ trên phố Khâm Thiên cho biết, khách hàng đại gia tới đây không ít. Theo anh Mạnh, những người có nhiều tiền thường thích chơi hàng lạ, của độc, càng cổ càng có giá trị. Chỉ tay vào bộ kính cổ để trong chiếc hộp màu đỏ, anh Mạnh cho hay, tất cả số đó đều được anh lượm lặt từ những tải kính cũ. “Có lần, trong một kiện hàng, tôi lọc ra được 2 chiếc kính cổ, một chiếc gọng mạ vàng”, anh Mạnh nói.
Trên thị trường hiện nay, mỗi chiếc kính cổ, kính có gọng mạ vàng 14K có giá từ 3 triệu đồng đến vài chục triệu đồng, tùy loại. Kính râm của các hãng xe hơi tặng kèm cho khách mua sản phẩm thường có giá trên một triệu đồng. Còn loại kính cũ của những hãng nổi tiếng cũng được bán từ 250.000 đồng trở lên. Điều này, mang lại cho chủ đầu tư doanh thu vài chục triệu đồng cho mỗi kiện hàng từ 500 chiếc đến 700 chiếc kính đủ loại.
Kinh doanh hàng “độc”, thu hút nhiều khách VIP, kiếm được lợi nhuận cao nên nhiều người đã không ngại đầu tư, mướn cửa hiệu mặt đường để kinh doanh đồ cũ.Anh Nguyễn Văn Nam, chủ shop kính hàng thùng (Tây Sơn, Hà Nội) cho hay, cửa hàng vẻn vẹn 15 mét vuông, anh thuê mỗi tháng 5,5 triệu đồng. Trước khi bắt đầu kinh doanh, anh còn đầu tư 20 triệu để mua tủ kính, kệ hàng, gương và lắp đặt lại hệ thống cửa.
Ngay đến những cửa hàng chuyên bán đồ second-hand từ hàng chục năm nay trên phố Đào Duy Anh cũng chuyển hướng đầu tư, buôn những mặt hàng chất lượng cao hơn. Để câu khách, họ lựa chọn treo những sản phẩm mẫu mã đẹp, còn khá mới, thay vì tiêu chí giá rẻ như trước.
Theo những người trong nghề, cách làm này mang lại lợi nhuận nhiều hơn. Anh Kiên, một người bán hàng thùng ở phố Hàng Điếu bật mí, mỗi kiện hàng hè gồm khoảng 1.000 chiếc. Nếu bán lẫn quần áo đổ đống như trước, chỉ được giá 30.000 đồng mỗi chiếc, thu được trên dưới 30 triệu đồng cho một kiện. Nhưng khi phân loại, lọc ra bán những chiếc đẹp và tốt hẳn với giá cao thì sau khi bù cho đống hàng rách, nát, doanh thu vẫn lên tới hơn 40 triệu đồng.
Anh chia sẻ, từ hai năm nay, sau khi nhập về, vợ chồng anh đều ngồi phân loại để xử lý hàng. Chiếc nào sạch đẹp, treo lên, bán với giá cao. Hàng rách quá, không thể cải thiện thì để đó, bán với giá rẻ. Còn những chiếc chỉ bị bẩn thì anh chị giặt lại cho đẹp.
“Mỗi kiện có gần một nghìn chiếc, chỉ cần 300 chiếc trong đó là hàng còn khá mới, đẹp, bán được với giá 60.000-80.000 đồng mỗi chiếc. Nhiều đồ hàng hiệu còn bán được trên 100.000 đồng, thì mỗi kiện đã được 30 triệu. Phần lớn hàng còn lại bán rẻ cũng được chục triệu nữa”, anh Kiên giải thích.
Hàng thùng thường được chủ kinh doanh nhập theo từng kiện, rồi về xé lẻ ra bán từng chiếc. Ảnh:Xuân Ngọc |
Ghi nhận củaVnExpress.net, những người bán hàng thùng thường nhập hàng theo từng kiện (bao tải lớn), rồi về xé lẻ ra để bán từng chiếc với những mức giá khác nhau.Mỗi kiện hàng từ một đến 1,5 tạ giá 7-10 triệu đồng. Nếu làhàng quần áo có khoảng 1.000 đồ mùa hè hoặc 300-400 đồ mùa đông. Kiện kính thì có chừng 500-700 chiếc.
Hàng thùng được nhập chủ yếu từ nước ngoài. Quần áo, giày dép, túi xách hay đồ điện tử, có nguồn gốc Campuchia, Thái Lan… Còn kính được nhập thẳng từ châu Âu. Trong số đó có cả hàng nước ngoài viện trợ, nhưng chủ yếu là hàng do người Việt đi gom, thu mua đồ cũ, thậm chí nhặt nhạnh từ những bãi phế thải. Hàng tốt, xấu được đóng lẫn thành các kiện lớn rồi bán theo cân.
Trong những kiện hàng, số lượng không ít hàng quá cũ, hỏng, người kinh doanh không thể tiêu thụ được. Ảnh:Xuân Ngọc |
Chính vì lý donhập hàng theo từng kiện chứ không được quyền lựa chọn nên việc buôn hàng thùng cũng hàm chứa rất nhiều rủi ro. Chỉ xui xẻo nhập một vài kiện hàng quá rách, nát, không bán được thì người kinh doanh cũng hụt vốn.
Tuy mỗi kiện hàng chỉ khoảng chục triệu đồng nhưng nếu trong đó chứa đến 3/4 hàng đều quá nát, rách, không bán được thì người kinh doanh chỉ thu được vài triệu đồng, trừ tiền thuê nhà, nhân công, việc kinh doanh xem như lỗ. Thậm chí, nếu xui xẻo nhập phải nhiều kiện hàng như vậy, người bán có thể phải giải nghệ.
“Chỉ có thể yêu cầu cho lấy kiện hè, đông, kính…chứ hàng người ta đóng sẵn, lấy về thế nào cũng phải chịu. Đồ để đống, chèn lên nhau, số hỏng hóc, bỏ đi không phải ít. Nếu người buôn không có kinh nghiệm ‘tái sinh’ chúng thì rất khó trụ được với nghề này”, anh Mạnh nói.
Xuân Ngọc