Giá vé máy bay sẽ điều chỉnh theo giá dịch vụ hàng không?
Cục hàng không Việt Nam đang đề xuất Bộ GTVT điều chỉnh mức giá dịch vụ hàng không với mức tăng thấp nhất là 15%, cao nhất lên tới hơn 40%.
Theo đó, trong thời gian tới các loại giá dịch vụ hàng không, phi hàng không có thể tăng với mức tăng từ 15% đến hơn 40%, điều này khiến các hãng hàng không đứng ngồi không yên vì chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chi phí của hãng và việc tăng giá vé để bù đắp lại các chi phí là việc không tránh khỏi.
Việc tăng giá dịch vụ hàng không được Cục Hàng không VN đề xuất: Đối với chuyến bay nội địa tại các CHK nhóm B (Phú Bài, Liên Khương, Phú Quốc, Buôn Ma Thuột, Đồng Hới, Pleiku, Tuy Hòa, Chu Lai, Phù Cát, Thọ Xuân) tăng 15%. Tại các CHK nhóm A (Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Cát Bi, Vinh, Cần Thơ) sẽ được áp bằng 115% nhóm B. Với nhóm C (Côn Đảo, Điện Biên, Cà Mau, Rạch Giá), sẽ thu bằng 60% mức giá tương ứng tại CHK nhóm B.
Điều chỉnh giá dịch vụ hàng không như trên được đưa ra trên cơ sở đề xuất của Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV). Theo ACV, các mức giá dịch vụ hạ, cất cánh tàu bay đối với chuyến bay nội địa hiện nay đã được duy trì trong vòng 5 năm. So với mức giá bình quân trong khu vực ASEAN, mức giá này chỉ bằng 32 – 72% theo tùy loại tàu bay. Ngoài ra, với mức giá dịch vụ hàng không như hiện nay ACV vẫn đang lỗ và để đảm bảo doanh thu về dịch vụ hạ, cất cánh tàu bay với chuyến bay nội địa đủ bù đắp chi phí (tức là hòa vốn), cần điều chỉnh mức giá tăng 225% và để ACV lãi 10%, cần điều chỉnh tăng tới 258%.
Ngoài những dịch vụ trên, các mức giá dịch vụ hàng không khác như đảm bảo an ninh hàng không, giá phục vụ hành khách quốc nội, giá dịch vụ sân đậu tàu bay… cũng được ACV đề xuất điều chỉnh tăng. Đáng chú ý nhất là việc điều chỉnh tăng đối với phí phục vụ hành khách quốc nội (ACV thu từ hành khách) với mức giá đề xuất áp dụng tại các CHK nhóm A là 100 nghìn, nhóm B là 80 nghìn và nhóm C là 60 nghìn. So với mức thu hiện hành, mức giá này tăng 42% ở nhóm A, 33% ở nhóm B và không tăng tại CHK nhóm C.
Việc đề xuất tăng giá dịch vụ hàng không này được ACV lý giải: “Các chi phí đầu tư xây dựng nhà ga phục vụ hành khách quốc nội không chênh lệch nhiều, trong khi mức giá bình quân dịch vụ quốc nội chỉ bằng 20% quốc tế. Việc xây dựng giá phục vụ khách quốc nội cần được xem xét trên cơ sở đảm bảo bù đắp các chi phí đầu tư xây dựng nhà ga hành khách quốc nội, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ”. Nếu mức tăng này được thông qua sẽ mang về cho ACV hơn 558 tỷ đồng chỉ trong năm 2017.
MT-Theo báo Giao Thông