CEO Vietjet – Người đàn bà quyền lực đạt được thành công như thế nào
Không chỉ tài giỏi trong kinh doanh, CEO của Vietjet – Nguyễn Thị Phương Thảo còn được biết đến là một người phụ nữ giàu tình cảm.
Việt Nam có một người phụ nữ “biết bay”, được Tạp chí Forbes bình chọn trong top 100 phụ nữ quyền lực nhất hành tinh, với khối tài sản ước tính cả tỷ USD. Người chưa gặp dễ hình dung về một người đàn bà “thép” đầy uy quyền. Tuy nhiên, bà cũng là một người phụ nữ mềm mỏng và khéo léo trong cuộc sống thường nhật.
Người phụ nữ Việt Nam duy nhất được Forbes vinh danh
Đầu tháng 6/2016, Tạp chí Forbes đã công bố “The World’s 100 Most Powerful Women 2016” – bảng xếp hạng 100 người phụ nữ quyền lực nhất thế giới năm 2016. Những người phụ nữ này làm việc trong mọi lĩnh vực như chính trị, kinh tế, công nghệ, truyền thông hay hoạt động xã hội…
Bảng xếp hạng Forbes dựa trên 4 yếu tố chính: tiền bạc, sự xuất hiện trên truyền thông, phạm vi ảnh hưởng và tác động trong lĩnh vực của người đó.
Đặc biệt, bà chủ Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo đã xuất hiện ở vị trí thứ 62 trong danh sách uy tín này. Đáng chú ý hơn cả, đại diện của Việt Nam đứng trên cả một số tên tuổi đình đám như nữ doanh nhân Arianna Huffington hay tỷ phú đồ lót Sara Blakely.
Chân dung bà Nguyễn Thị Phương Thảo – CEO tài giỏi của Vietjet Air. |
Mặt khác, bà Nguyễn Thị Phương Thảo nằm trong số 20 cái tên mới lọt vào top 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới năm nay.
Theo thông tin của Forbes, bà Thảo hiện là cổ đông chính của Sovico, tập đoàn sở hữu ngân hàng thương mại HD Bank và hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air. Bà hiện là Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc HD Bank, Tổng giám đốc Vietjet Air.
Người đàn bà “thép” của hàng không Việt
CafeF cho biết, bà Thảo sinh trưởng trong một gia đình Hà Nội gốc, năm 17 tuổi, bà đi du học đại học ngành Kinh tế tài chính và sớm nổi tiếng trong cộng đồng với bảng thành tích học tập xuất sắc và tài kinh doanh thiên bẩm.
Khi còn là sinh viên năm thứ 2, bà đã bước vào thương trường. Khi ấy thị trường Đông Âu thiếu thốn hàng tiêu dùng, mọi thứ đều khan hiếm nên bà kinh doanh đủ thứ, từ hàng điện tử, máy tính, máy fax đến băng đĩa, đồng hồ, hàng nông sản từ các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong sang Đông Âu. Đồng thời, bà cũng đưa về Việt Nam những mặt hàng thị trường khan hiếm và cần thiết như phân bón, sắt thép, thiết bị…
Hàng chục năm trên thương trường, “chị Thảo” – như cách gọi trìu mến của hầu hết nhân viên của bà – được giới đầu tư biết tới với một loạt thương vụ M&A đình đám trên thị trường bất động sản và tài chính, người sáng lập ngân hàng cổ phần thương mại đầu tiên ở Việt Nam. Bà cũng được biết đến với vai trò chủ sở hữu của khu nghỉ dưỡng nổi tiếng nhất Việt Nam là Furama và Công ty cổ phần Địa ốc Phú Long (chủ đầu tư Dragon City).
Tuy nhiên, “thương hiệu” nổi nhất của bà Thảo cùng nhóm cộng sự gắn liền với “sắc đỏ lửa” của Vietjet. Tại Việt Nam, Vietjet là hãng hàng không tư nhân giá rẻ đầu tiên được thành lập vào năm 2007 và có chuyến bay thương mại đầu tiên năm 2011.
|
“Không phải ai khác mà chính Vietjet đã làm thay đổi diện mạo của ngành hàng không Việt Nam, đưa lĩnh vực vận tải này trở nên đơn giản với mọi người dân Việt Nam”, Bộ trưởng Giao thông – Vận tải Trương Quang Nghĩa đã dành một sự ghi nhận đầy khích lệ đối với hãng hàng không thế hệ mới đầu tiên ở Việt Nam trong buổi làm việc giữa hãng với lãnh đạo Bộ này hồi cuối tháng 9/2016.
Theo Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa, sự tham gia của Vietjet vào cuối năm 2012 đã phá vỡ sự độc quyền trong kinh doanh hàng không, tạo sự cạnh tranh lành mạnh, cũng như giúp cho 30% hành khách lần đầu tiên được sử dụng dịch vụ hàng không, trong đó có nhiều người chưa bao giờ mơ ước được đi máy bay.
Trong bài phỏng vấn hồi giữa tháng 10, bà Phương Thảo cho hay hãng sẽ tiến hành IPO vào cuối năm nay, trên Sàn giao dịch chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HOSE). Bởi theo những người đứng đầu Vietjet: “Đây là thời điểm rất thuận lợi cho công ty, xét về cả tăng trưởng và kết quả hoạt động kinh doanh“.
Lễ ký kết của Vietjet và Boeing. |
Dưới sự dẫn dắt tài năng của CEO Phương Thảo, Vietjet “thừa thắng xông lên” khi liên tục ký kết những hợp đồng có giá hàng tỷ USD. Ngày 23/5/2016, tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội, Công ty Cổ phần hàng không Vietjet (Việt Nam) và Tập đoàn chế tạo máy bay Boeing (Mỹ) đã ký hợp đồng đặt mua 100 tàu bay B737 MAX 200, trị giá 11,3 tỷ USD theo giá hiện hành. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet và Ông Ray Conner, Tổng giám đốc của Tập đoàn chế tạo máy bay Boeing đã thực hiện ký kết hợp đồng quan trọng này trước sự chứng kiến của Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Trần Đại Quang và Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng đoàn lãnh đạo cấp cao của hai nước.
Người “giữ lửa” của Vietjet
Những cán bộ dưới quyền của CEO Nguyễn Thị Phương Thảo, đa số là đàn ông, đều khâm phục sức làm việc phi thường của bà, còn nhân viên nữ thì luôn coi bà như một thần tượng để phấn đấu. Với bà Thảo, một ngày bắt đầu từ 5h sáng và kết thúc vào 2h sáng hôm sau là chuyện bình thường.
Theo thông tin từ Tiền Phong, bà Thảo có sở thích đặc biệt với màu trắng nhẹ nhàng thanh khiết. Dáng vóc mảnh mai và trẻ hơn nhiều so với tuổi. Sở thích về màu sắc và vóc dáng dường như cũng nói lên cách điều hành doanh nghiệp của bà. Thật là một nhận diện khác hẳn với danh xưng bà chủ lớn. Ấy vậy mà, để đưa được những chiếc máy bay sơn màu quốc kỳ Việt Nam lên bầu trời nội địa, quốc tế và tham vọng vươn xa hơn, không phải chuyện đơn giản. Thời điểm đó, bài học từ thất bại của những hãng bay nội địa khiến dân trong nghề với ánh mắt nghi ngại, thốt lên: “Ðể rồi xem”. Trong khi đó người phụ nữ vận váy voan trắng và cộng sự đưa ra những ý tưởng trang phục của tiếp viên thật lạ lẫm và lãng mạn. Nữ tiếp viên Vietjet đội mũ, quần sóc như hình ảnh đoàn quân giải phóng tiến vào 5 cửa ô của mùa Thu lịch sử. Trang phục này đã quen thuộc trên từng chuyến bay hôm nay và đặc biệt được đánh giá cao trong giới hàng không quốc tế: Thanh lịch, hiện đại, tiện dụng và giàu bản sắc…
|
Những nhân viên bộ phận chăm sóc, bảo dưỡng máy bay vẫn truyền nhau câu chuyện cảm động đêm cuối năm, khi “chị Thảo” cùng Ban lãnh đạo Vietjet đi thị sát sân bay mùa cao điểm. Để cảm nhận công việc thực tế trên tàu bay, bà đã tự tay cầm giẻ lau máy bay, lật từng chiếc ghế lên hút bụi, nhặt những sợi tóc nhỏ li ti giắt dưới sàn tàu. Khi biết một nhân viên lớn tuổi không quản ngại ngày đêm, nhiều năm cần mẫn làm tốt công việc dọn vệ sinh, bà gọi ngay bộ phận nhân sự yêu cầu tăng lương cho nhân viên này. Bà cũng không ngại ngần mỗi khi săn sóc nhân viên, từ việc tự tay chuẩn bị cơm nước cho họ tới hát cho họ nghe trong những ngày vui.
Kiều Hương (T.H)